SƯ ĐOÀN 571 Ô TÔ VẬN TẢI QUÂN SỰ CƠ ĐỘNG CHIẾN LƯỢC

SƯ ĐOÀN 571 Ô TÔ VẬN TẢI QUÂN SỰ CƠ ĐỘNG CHIẾN LƯỢC
Trang Blog này xin được giới thiệu về lịch sử Sư đoàn ô tô vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Sư đoàn ô tô cơ động vận tải quân sự 571 anh hùng - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Một tư liệu quý trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của dân tộc cũng như cập nhật mọi hoạt động của Ban liên lạc Hội tình nghĩa đồng đội Sư đoàn 571 trong cuộc sống hôm nay.

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN HỒI ỨC VỀ TRƯỜNG SƠN

VƯỢT TRỌNG ĐIỂM A-T-P


Trọng điểm A-T-P là tên gọi viết tắt của Cua chữ A, Ngầm Ta Lê và Đèo Phu La Nhích nằm trên trục đường 20 Quyết thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tất cả bộ đội vận tải (cơ giới) khi vượt Trường Sơn đều e ngại trọng điểm A-T-P có chiều dài 9km này vì mức độ đánh phá ác liệt của đối phương.
Đại tá Đinh Công Ty (Chính ủy Trung đoàn ô tô vận tải 11 - Đoàn 559) kể lại chuyến vượt trọng điểm này vào mùa khô năm 1967 - 1968, cao điểm đánh phá 24/24 của máy bay Mỹ nhằm vào đây.

. Đủ loại bom mìn

Ban ngày, máy bay L19, OV10 tập trung đánh phá 24/24 trọng điểm A-T-P và ban đêm, máy bay C47, AC130 có trang bị khí tài điện tử hiện đại săn đuổi đoàn xe chúng tôi. Ngoài những hiểm nguy chực chờ thường trực trên đầu, dưới đất còn là bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, mìn lá, mìn vướng… mà cứ mỗi sơ suất, chúng tôi đều trả giá bằng nhiều tính mạng.

Đêm hôm ấy, tôi gửi lại tất cả kỷ vật và dẫn đầu 62 chiếc xe đi vào trọng điểm. Trước khi xe nổ máy, tôi có nhắn với một đồng đội rằng “nếu mình hy sinh, cậu nhớ đưa hết các thứ này cho X nhé”. Vừa qua cua Chữ A, một tốp máy bay thả pháo khói rồi cắt “bom thông minh” điều khiển bằng laser. Thủ đoạn của giặc là dùng máy bay trinh sát bắn pháo khói vào mục tiêu trước, sau đó máy bay cường kích bay thấp cắt bom xuống mục tiêu rồi lủi mất ngay. Sau cùng máy bay điều khiển bom mới kích nổ. Bởi vậy pháo khói đã bắn vào đâu thì y như rằng chúng ta mất xe, mất người ngay điểm đó…

Thấy đám cháy phía sau, chúng tôi biết rằng đã có xe bị dính bom nhưng vẫn phải đưa đoàn xe tiếp tục di chuyển bởi dừng lại là hy sinh tất cả. Sau này tôi mới nghe báo cáo rằng Nguyễn Xuân Hiểu đã hy sinh ngay loạt bom đầu. Hiểu học chung với tôi ở Thái Nguyên, cùng vào bộ đội và hai chúng tôi đều có con gái sinh trùng thời gian. Nghe tin Hiểu hy sinh, lòng tôi xót xa thương chị Dần, cháu Mai (vợ, con Hiểu) vô cùng.

Lực lượng phòng không của ta bắt đầu đánh trả. Cứ thấy bom khói ở đâu, bộ đội được lệnh sơ tán. Các nòng pháo cũng không bắn vào máy bay cường kích cắt bom nữa mà ngắm thẳng vào máy bay điều khiển bom bay tít trên cao. Mặc dù khó có thể trúng đích nhưng khi thấy bị bắn, chúng hoảng hốt bỏ chạy, để mặc bom rơi tự do, trật mục tiêu.

. Những cọc tiêu sống

Gạt bỏ nỗi đau đồng đội hy sinh, trong lúc đợi công binh thông đường, chúng tôi đùa vui với các cô thanh niên xung phong (TNXP). Các chiến sĩ lái xe nói: “Tạm biệt các em nhé, đến mùa mưa hãy lấy chồng nhé”. Một giọng TNXP trong trẻo: “Lấy chồng không lấy lái xe, đi ba cây số còn nghe mùi dầu”. Không vừa, một chiến sĩ đáp lại: “Em ơi dầu nghĩa dầu tình, đường thông xe chạy chúng mình yêu nhau”. Vậy mà…

(
Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1970, đầu năm 1971, đã có 1.488 phi vụ cường kích với 204 chiếc B52 đánh bom. Bình quân mỗi ngày A-T-P chịu 45 lần máy bay đánh phá. Đã có 500 bộ đội và TNXP hy sinh tại trọng điểm A-T-P…)

Xe bắt đầu vượt ngầm. Cũng như hàng ngàn con suối trên Trường Sơn, ngầm Ta Lê chỉ khác các ngầm khác ở chỗ nó là một “túi bom”, “tọa độ lửa”, “cửa tử” bởi bom đạn từ các loại máy bay Thần Sấm, Con Ma, B52… đánh phá liên tục. Tôi lệnh: “Nhanh lên, vượt ngầm, “nó” sắp tọa độ (đánh bom) đấy”, rồi gửi ít phong lương khô cho họ.

Lửa cháy rừng rực, một chiến sĩ nữ cổ quấn khăn, mũ tai bèo trễ sau gáy, mặt nhem nhuốc vì khói bụi, đôi mắt long lanh… nhanh nhẹn đi trước xe, cầm cờ đuôi nheo dẫn đường. Miệng cô gái lúc hô “trái”, lúc hét “phải” điều khiển xe xuống ngầm.

Bỗng một tiếng nổ lớn, trong màn khói lửa, tôi nghe quát: “Nhanh lên, cáng cái Thanh vào, cái Hằng ra thay đi, cho xe xuống ngầm”. Trời ơi, cô gái dẫn đường cho tôi đã hy sinh rồi sao? Tôi cắn môi nuốt nước mắt tiếp tục chạy vào con đường ngầm dưới mặt nước, đủ rộng cho 1 xe qua. Cứ mỗi đoạn ngắn, lại có một đồng chí nữ đứng phất cờ để xe không trật khỏi đường. Đi được gần hết đoạn ngầm, một cột nước lại vọt lên, một cọc tiêu bên trái tôi ngã xuống.

Tôi khóc nhiều bởi chỉ một đoàn xe qua ngầm, đã có 2 người hy sinh. Mà trên Trường Sơn, có bao nhiêu ngầm, bao nhiêu triệu lượt xe đi qua? Tôi nhìn về sau lưng, vẫn thấy cờ phất, khẩn trương nhưng quá ư bình thản. Cái chết ở đây nhẹ tợ lông hồng!

. Vượt đèo

Đội hình xe vào đèo Phu La Nhích. Một loạt bom nổ, một xe xăng bùng cháy. Ngọn lửa như muốn nuốt chửng cả đoàn xe vận tải nhiên liệu cho chiến trường. Tôi lại có cảm giác thắt nghẹn khi nghĩ đến Giáp, lái chiếc xe ấy.

Chiếc xe chao đảo, bỗng dưng tôi thấy Giáp bung cửa chính chạy vòng ra sau xe mở cửa hậu. Chưa kịp mừng vì Giáp thoát chết, lại thấy anh chạy vòng lên trước nhảy vào cabin. Chiếc xe đang cháy phừng phừng ở phía đuôi lại lao nhanh về phía trước.

Tôi ôm đầu hét to khi thấy xe húc thẳng vào taluy bên phải đường. Rồi như một bài toán định sẵn, 16 phuy xăng (200 lít/phuy) lăn xuống đường do cửa hậu đã mở sẵn và do lực va chạm vào taluy. Tôi thấy Giáp nhanh nhẹn nhảy xuống đẩy các phuy xăng cháy rơi xuống vực sâu phía đối diện. Một tiếng nổ dữ dội dưới đáy vực... Đường lại thông và đoàn xe chúng tôi qua đèo an toàn sau khi còn bị một trận B52 rải thảm.

Ngày ấy, biết rằng qua trọng điểm A-T-P là rất gần cái chết song lái xe chúng tôi đêm nào cũng chạy, góp phần vận chuyển hàng hóa về Tổng kho Lùm Bùm (Lào) đạt 1 vạn tấn/tháng. Đoàn xe vượt trọng điểm lần ấy mất 1 đại đội trưởng, 1 lái xe; thêm 2 người bị thương, 1 xe cháy và 2 xe hư hỏng hoàn toàn. Mỗi khi lên cabin là một lần tự truy điệu sống nhưng cứ nghĩ đến tội ác của kẻ thù, lòng căm thù của chúng tôi lại tăng lên. Vì vậy chúng tôi đã được Binh đoàn 559 tặng danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn” và “Gan vàng dạ ngọc”.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

MỘT SỐ KỶ VẬT KHÁNG CHIẾN CỦA CỰU CHIẾN BINH SƯ ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 571 BÀN GIAO CHO BẢO TÀNG HẬU CẦN - QĐNDVN

















Sáng 24/6/2010 Ban liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn ô tô vận tải 571 phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Cục Chính trị và Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến.

Trên 100 hiện vật tiêu biểu như: Cờ “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến quyết thắng” của Bộ tư lệnh Binh đoàn Hương Giang tặng Sư đoàn 571; Sổ vàng truyền thống Sư đoàn 571 có bút tích của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội; chăn dù, ăng-gô, võng dù của đồng chí Đinh Công Ty; chăn chiên, hộp đựng thuốc đánh răng tự chế của đồng chí Trần Anh Quân; ca đựng nước tự gò từ vỏ bom bi của đồng chí Nguyễn Văn Ninh, Bộ dụng cụ đồ nghề trên xe của đồng chí anh hùng lái xe Phan Văn Quý, Súng AK của đồng chí Dương Quang Lựa đã dùng khi cùng bộ binh tiến vào bắt sống viên sỹ quan Ngụy trước khi tiến vào Dinh Độc lập…… đã được bàn giao.

Những hiện vật này là tư liệu lịch sử quý giá, đã từng gắn bó với đơn vị và các cựu chiến binh trên các chiến trường đầy ác liệt; là những minh chứng cho cuộc chiến tranh cách mạng ở nước ta, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.





Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRONG LỄ BÀN GIAO KỶ VẬT KHÁNG CHIẾN (24/6/2010)








































Sau lễ cắt băng khánh thành việc nâng cấp phục chế xe ô tô Zin 157 của Anh hùng Phan Văn Quý và xe Giải phóng CA -10 do đồng chí Dương Quang Lựa - tiểu đội trưởng lái xe đã đưa lực lượng trinh sát, đặc công của Quân đoàn 2 cùng đội hình xe tăng của Lữ đoàn 203 vào đánh chiếm Dinh Độc lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975. Mọi anh chị em cựu chiến binh, đồng đội cũ của Sư đoàn ô tô vận tải 571 tham gia buổi lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến đã tham quan, chúc mừng và chia sẻ niềm vui tự hào với hai đồng chí: Quý và Lựa đồng thời chụp ảnh lưu niệm nhân dịp có cuộc hội ngộ..
Đây là một trong những hoạt động hết sức có ý nghĩa của Ban Liên lạc Sư đoàn ô tô vận tải 571 đối với anh em, đồng chí đồng đội cũng như đối với thế hệ mai sau trong công tác giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.